Tâm lý trẻ thay đổi liên tục theo từng giai đoạn trong quá trình trưởng thành, đặc biệt là giai đoạn khi trẻ 6 tuổi. Vì đây là thời kỳ chuyển tiếp môi trường học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ, bởi khi ở độ tuổi mẫu giáo, chương trình học của trẻ chỉ xoay quanh việc ăn - chơi - ngủ là chính nhưng ở tiểu học trẻ bắt đầu có bài tập về nhà và chương trình cũng thay đổi hoàn toàn so với bậc mầm non. Hơn nữa, lứa tuổi này còn là lúc trẻ bắt đầu mở rộng các mối quan hệ xã hội - một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành tính cách của trẻ sau này nên việc ba mẹ chuẩn bị cho trẻ trong “giai đoạn vàng” là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, trẻ 6 tuổi vẫn còn hiếu động do trẻ tò mò về thế giới xung quanh và không ngừng khám phá những điều mới lạ, nên nhận thức của trẻ cũng dần rõ ràng hơn khi còn mầm non, cái tôi của trẻ cũng bắt đầu hình thành. Do đó, việc thay đổi môi trường theo chiều hướng nghiêm túc và có kỷ luật hơn sẽ dễ khiến trẻ khó hòa nhập và có phần ương bướng, lúc này ba mẹ cần đóng vai trò hỗ trợ vô cùng to lớn để giúp trẻ làm quen và thích nghi.
Dụng cụ học tập bao gồm các vật dụng như: sách giáo khoa, vở 5 ô li, bút chì, tẩy, thước kẻ, bút màu, cặp,... là những vật dụng cần thiết ba mẹ cần chuẩn bị cho con trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, nếu phụ huynh cho con học trường quốc tế thì những vật dụng này sẽ được tính trong chi phí sách vở cho trẻ, đồng nghĩa các thầy cô ở đây sẽ cung cấp những đồ dùng học tập cần thiết cho các bé.
Khi trẻ được 5 tuổi, phụ huynh nên bắt đầu cho trẻ làm quen với trường Tiểu học mới bằng cách dắt bé tham quan khi có dịp hoặc mỗi khi ngang qua trường mới, ba mẹ nên gợi ý cho trẻ bằng những câu nói như: “đây là ngôi trường mà con sẽ học khi lên 6 tuổi”. Những lời này và hình ảnh các anh chị lớn cắp sách đến trường trong bộ đồng phục sẽ kích thích sự tò mò của trẻ mong muốn khám phá ngôi trường mới hay ước mơ được như các anh chị lớn giúp trẻ đỡ bỡ ngỡ hơn sau này.
Trước khi đặt chân vào ngôi trường hoàn toàn lạ lẫm, trẻ sẽ mang tâm trạng lo lắng và có đôi chút sợ sệt. Do đó, những câu chuyện về trường tiểu học của ba mẹ sẽ phần nào trấn an các bé, giúp các con định hình rõ hơn về nơi mà trẻ sắp theo học. Ba mẹ nên kể trẻ nghe:
- Mô tả về ngôi trường ba mẹ từng theo học
- Những kỷ niệm vui khi còn học tiểu học
- Kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo
- Kỷ niệm với bạn bè
- Các trò chơi ngày xưa thời còn tiểu học
Bên cạnh việc cùng trẻ ôn lại kỷ niệm cũ, phụ huynh có thể lồng ghép kể về trường tiểu học mới của con. Đồng thời, đăng ký các tour tham quan trường trực tiếp cùng con cũng là cách để trẻ trải nghiệm thực tế về môi trường học.
2.4.1. Bảng chữ cái:
- Dạy bé đọc bảng chữ cái theo chiều xuôi và ngược lại để giúp con thuộc mặt chữ.
- Dạy trẻ đọc và nhận diện nguyên âm trước: o, ô, ơ, a, ă, â, e, ê, i, u, ư, y.
- Dạy trẻ đọc bảng chữ cái kết hợp với các dấu thanh: u, ư, a, à, á, ả, ạ, ã… để giúp trẻ dễ ghi nhớ, ba mẹ nên hướng dẫn con các dấu thanh từ trên xuống, từ trái qua phải cho con quen giọng, sau đó mới chuyển qua bước ghép vần, cách đặt phụ âm vào trước nguyên âm có dấu để thành từ, tiếng.
- Mỗi ngày giúp trẻ ôn tập lại những gì đã học từ 5 - 6 lần sẽ giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn.
2.4.2. Ghép nguyên âm đơn:
- Hướng dẫn trẻ ghép phụ âm và nguyên âm đơn để tạo ra từ đơn. Ví dụ: B + A = BA.
- Phụ huynh cần lưu ý để trẻ ghép những từ vô nghĩa như: by, cy,.. Chỉ nên hướng dẫn những từ đúng.
- Khi ghép được 1 từ đơn, ba mẹ đưa ra ví dụ để trẻ hiểu từ này nằm trong chữ gì để trẻ có cái nhìn rộng hơn. Vi dụ: từ “Ca” nằm trong “cái ca”,...
- Thường xuyên hỏi trẻ những câu hỏi mở để giúp trẻ tăng vốn từ: “con hãy nói ba mẹ biết chữ “ngon” có trong từ gì không?”,...
2.4.4. Ghép nguyên âm đôi:
- Ghép các phụ âm vào và thêm dấu thanh sẽ tạo ra từ và tiếng.
- Thêm ngữ cảnh, sự vật sự việc vào các từ/tiếng để trẻ ghi nhớ lâu hơn.
2.4.5. Từ đơn có thanh:
- Sau khi trẻ biết đánh vần, ba mẹ nên ghép thêm dấu thanh vào các từ đơn để tạo nên từ mới, Ví dụ: ba-huyền-bà, bô-sắc-bố,...
- Đối với 1 từ đơn như từ “Ba”, phụ huynh nên ghép nhiều dấu thanh để trẻ thấy sự đa dạng.
- Khuyến khích trẻ ghép dấu và giải thích từ nào có nghĩa và từ nào không có nghĩa để giúp trẻ viết chính tả tốt hơn sau này.
- Nên ưu tiên chọn những từ dùng trong giao tiếp hàng ngày để trẻ đánh vần.
2.4.6. Luyện viết cho trẻ trước khi vào lớp 1:
- Dạy con cách cầm bút để tô màu, viết chữ.
- Khi con quen dần, chuyển sang luyện viết các nét cơ bản đi cùng với các chữ cái có nét đó.
- Mỗi ngày học 1 nét, trong vòng 2 tháng các bé có thể biết viết.
2.4.7. Luyện kỹ năng đọc hiểu:
- Thường xuyên kể chuyện, đọc sách cho trẻ nghe và hỏi những câu hỏi đơn giản xoay quanh nội dung để xem mức độ hiểu của trẻ đến đâu. Phương pháp này cũng giúp trẻ xây dựng vốn từ vựng và khả năng tập trung tốt hơn.
- Sau khi con biết đánh vần, ba mẹ nên giúp trẻ luyện đọc các từ và câu có ý nghĩa trong 1 mẫu truyện ngắn hoặc 1 đoạn trong sách vở, hướng dẫn trẻ cách ngắt hơi sau dấu chấm, dấu phẩy.
Hướng dẫn trẻ làm các phép tính cộng trừ đơn giản sẽ giúp con không bỡ ngỡ và theo kịp bạn bè khi bước chân vào lớp 1. Dưới đây là 5 cách giúp trẻ nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng này:
- Bước 1: dạy trẻ đếm từ 1 đến 10 và tăng dần lên 100 kết hợp với nhận diện mặt số.
- Bước 2: dạy trẻ đếm số nhảy: 2-4-6-8-10,... và giải thích để trẻ hiểu rằng nếu cộng 2 đơn vị với nhau sẽ có số tiếp theo (có thể áp dụng cho cả phép trừ).
- Bước 3: dùng dụng cụ học tập như que tính hoặc viên bi hay bất kỳ thứ gì khác xung quanh để hiện thực hóa các phép tính, giúp trẻ tiếp thu một cách trực quan và sinh động hơn.
- Bước 4: hướng dẫn trẻ tính những phép đơn giản như 1+1, 9+0, … (chỉ áp dụng trong phạm vi các số nhỏ)
- Bước 5: sau khi trẻ đã biết cách tính toán, hãy gợi ý cho trẻ mở rộng tư duy bằng những câu hỏi như: có bao nhiêu cách để tạo nên số 9, làm sao để tạo ra số 5,...
Với 5 bước đơn giản trên đây sẽ giúp trẻ nhanh chóng biết cách tính các phép toán cơ bản lớp 1. Ngoài ra, ba mẹ có thể linh hoạt trong việc học toán của trẻ như dắt con đi chợ hay siêu thị và hỏi những câu như:
- Hãy giúp mẹ đặt 3 quả cà chua vào rổ nhé
- Nếu mẹ mua 4 quả dưa leo với 5 quả cà chua thì trong giỏ mẹ sẽ có bao nhiêu quả?
- ….
Những bài học thực hành này sẽ giúp bé cảm thấy thích thú và tăng cường trí nhớ, tiếp thu tốt hơn nếu chỉ học thụ động, tránh được tình trạng hay quên do não bộ của trẻ trong giai đoạn này vẫn chưa phát triển toàn diện.
Đối với giai đoạn vừa chuyển tiếp từ mầm non sang tiểu học này, việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức hay dùng đòn roi ép trẻ học sẽ khiến con hình thành suy nghĩ tiêu cực và mất sự thích thú trong học tập, sinh ra chán nản và áp lực, không thể tập trung. Vì vậy, ba mẹ hãy chọn cách kiên nhẫn đồng hành cùng các bé để tạo môi trường học tập thoải mái nhất cho con.
Nếu ở mầm non, các con hành xử theo cảm tính thì lên tiểu học đòi hỏi các bé phải nề nếp và khuôn phép hơn. Do đó, những lúc dạy trẻ học, khi bé đã nắm vững các nguyên tắc làm bài thì ba mẹ nên lánh đi và quy định thời gian sẽ quay lại kiểm tra cũng như đưa ra hình phạt hay thưởng nếu con không hoàn thành bài tập. Việc để con có không gian riêng yên tĩnh sẽ giúp trẻ tăng sự tập trung hơn và hoàn thành bài tập tốt hơn.
Phụ huynh nên giúp bé phân biệt được những khái niệm thời gian cơ bản như: hôm qua, hôm nay, ngày mai, tuần trước, tuần sau, tuần tới,... song song đó là cách xem đồng hồ, biết cách gọi tên các giờ trong ngày. Điều này giúp trẻ dễ làm quen với thời khóa biểu và nhận diện được thời gian khi đi học. Kỹ năng xem giờ còn giúp trẻ tự giác hơn vì biết được đến giờ nào cần làm việc gì.
Trẻ con rất tò mò và thích tìm tòi khám phá những điều xung quanh nhưng thường không biết cách diễn đạt với người lớn. Vì vậy, ba mẹ nên hướng dẫn trẻ cách đặt câu hỏi cơ bản như: “tại sao”, “khi nào”, “vì sao”,... để được giải đáp chuẩn xác hơn về những điều mà các con muốn biết. Bên cạnh đó, ba mẹ nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi thường xuyên hoặc đặt câu hỏi ngược lại với trẻ nhằm kích thích sự tò mò, tìm hiểu để trả lời. Bằng cách này, nhân sinh quan của bé cũng sẽ rộng mở hơn, đặc biệt là không còn nhút nhát khi muốn đưa tay phát biểu trước lớp.
Với sự cải cách giáo dục hiện nay, khi trẻ lên cấp 1 sẽ bắt đầu được làm quen với kỹ năng ICT (công nghệ truyền thông và máy tính), do đó ba mẹ nên tập dần cho trẻ cách sử dụng chuột thông qua những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của các bé, dạy con cách tắt mở,v.v… trẻ con thông minh nên sẽ học rất nhanh và không bối rối khi tiếp xúc với máy tính ở chương trình lớp 1.
Hiện nay, có không ít trường hợp trẻ được cưng chiều ở nhà và ba mẹ không dành nhiều thời gian để dạy con biết cách chia sẻ, quan tâm mọi người xung quanh nên khi bước chân vào môi trường học đường, những trẻ này thường có xu hướng nghĩ mình là nhất và “muốn là đòi cho bằng được” khiến không ít giáo viên và bạn bè phiền toái. Do đó, ba mẹ hãy dạy trẻ biết cách san sẻ mọi thứ để trẻ sớm ý thức được sự bình đẳng trong xã hội, hình thành nhân cách tốt cho con, không trở nên ích kỷ dễ khiến bản thân bị bạn bè “tẩy chay” hoặc cô lập. Đưa con cùng tham dự những lần phát quà từ thiện, tham gia quyên góp và giải thích ý nghĩa vì sao con nên chia sẻ như vậy để góp phần nuôi dưỡng tính thiện lành trong con.
Giai điệu và ca từ hóm hỉnh của những bài hát thiếu nhi luôn thu hút trẻ con. Do đó, ba mẹ hãy thường xuyên cho trẻ xem các chương trình bài hát thiếu nhi hoặc nghe nhạc thiếu nhi và cùng trẻ học thuộc những bài hát đó. Điều này sẽ giúp ích cho trẻ trong việc phát triển ngôn ngữ, đồng thời tăng thêm tự tin khi học các môn âm nhạc ở trường.
Nếu ở mẫu giáo các bé đã được giáo viên hướng dẫn cách tự dọn dẹp đồ chơi sau mỗi lần chơi xong thì ở Tiểu học các em cần học cách tự mặc quần áo, chuẩn bị giày dép, cách tự thắt dây giày, v.v… vì ở tiểu học sẽ không còn bảo mẫu theo sát trẻ như trước đây nên rèn luyện cho trẻ tính tự lập ngay từ bây giờ là điều cần thiết.
Phụ huynh nên tập cho trẻ biết có trách nhiệm bằng cách quy định giờ học trong ngày và khi nào con làm bài xong mới được đi ngủ, hay đúng giờ là phải rửa tay và ăn cơm cùng gia đình chứ không đợi nhắc nhở, v.v… những thói quen nhỏ nhặt này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân và hoàn thành tốt công việc được giao chứ không bỏ lửng.
Hướng dẫn trẻ nhận biết động, thực vật, đồ vật (ví dụ như dụng cụ học tập, sách vở,..) sự vật, sự việc xung quanh sẽ giúp con có cảm quan tốt hơn. Ngoài ra, những kiến thức này cũng sẽ bổ trợ ít nhiều trong quá trình học tập, trẻ tiếp thu nhanh hơn nếu vô tình bắt gặp những điều này trong sách vở. Đặc biệt, khi cần so sánh hay tổng hợp dữ liệu, trẻ sẽ nhớ lại dễ dàng hơn.
Đưa trẻ đến sở thú, siêu thị, công viên hay đi du lịch thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm về cuộc sống nhiều hơn.
Ba mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến và cảm xúc của bản thân, nhất là những lúc bé cần sự hỗ trợ từ người lớn. Dành thời gian trò chuyện, tổ chức các trò chơi đơn giản để trẻ biết cách giới thiệu bản thân hoặc tạo những tình huống đơn giản và hỏi những câu hỏi gợi mở hướng giao tiếp nhằm giải quyết vấn đề. Những sự thực hành đơn giản này tại nhà cùng ba mẹ sẽ là cách giúp trẻ tự tin giao tiếp với bạn bè khi vào lớp 1.
Không còn là những hoạt động chơi đùa trong một nhóm, ở tiểu học các em sẽ phải học cách làm việc nhóm với những bạn khác để cùng nhau tìm ra đáp án bài tập hay hoàn thành một nhiệm vụ mà giáo viên đề ra. Để giúp con trang bị kỹ năng này, ba mẹ nên tạo những tình huống để cùng các con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Trong quá trình ấy, ba mẹ phải luôn chú ý đến biểu hiện cảm xúc của trẻ, đặc biệt là những lúc trẻ giận dữ và cách thể hiện của trẻ nhằm giúp con điều chỉnh kịp thời, biết cách kiềm chế. Song song đó là giúp bé biết cách bày tỏ cảm xúc, lắng nghe quan điểm của người khác trong lúc làm việc nhóm.
Trang bị cho trẻ kỹ năng này thật tốt sẽ giúp con nhanh tiến bộ trong học tập vì trong môi trường giáo dục hiện đại, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng. Do đó, hiện nay có không ít trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa đẩy mạnh tinh thần làm việc nhóm là vì lý do này.
Trong bất kì môi trường nào, trẻ cũng cần có những người bạn đồng hành hàng ngày. Phụ huynh nên tinh tế quan sát hoặc trao đổi với giáo viên để biết trẻ đang chơi với những bạn nào trên lớp, khi về nhà cũng nên hỏi thăm những người bạn cùng lớp của trẻ để trẻ cảm thấy ba mẹ cũng gần gũi như bạn bè. Từ đó, trẻ sẽ tin tưởng và chia sẻ tâm tư tình cảm để phụ huynh hiểu rõ về con mình hơn hoặc kịp thời tháo gỡ những rắc rối mà các bé đang gặp phải.
Trẻ con là những nghệ sĩ tài ba bởi tâm hồn trong sáng làm chất liệu cho những tác phẩm ra đời. Vì vậy, ba mẹ hãy quan sát trẻ yêu thích điều gì. Ví dụ: nếu trẻ rất thích nghe kể chuyện và có trí tò mò, phụ huynh nên tạo thói quen kể chuyện cho bé nghe trước khi ngủ và lâu dần hãy gợi ý để trẻ tự xây dựng một câu chuyện của riêng mình theo trí tưởng tượng của các con. Ba mẹ sẽ bất ngờ trước sự sáng tạo của trẻ đấy.
Ngoài ra, đối với những trẻ có những tài năng thiên phú như: vẽ tranh, múa hát,... phụ huynh có thể đăng ký các lớp bổ trợ ở trường khi chính thức vào lớp 1 để trẻ có cơ hội mài dũa kỹ năng thiên bẩm tốt hơn nhé.
Thời khóa biểu ở bậc tiểu học có các môn học cụ thể và nhiều hơn mẫu giáo, đòi hỏi trẻ phải có một thể chất tốt để đảm bảo cho việc học không bị gián đoạn bởi sự buồn chán và mệt mỏi. Do đó, phụ huynh hãy giúp trẻ hình thành thói quen tập thể dục buổi sáng cùng gia đình, đạp xe ở công viên hay các trò chơi vận động khác vừa giúp bé khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, vừa tăng sự khăng khít giữa bé và các thành viên trong nhà.
Từ tiểu học trở đi, giờ giải lao hay ra về không có sự kiểm soát của ba mẹ hay thầy cô, trẻ con thường thích mua quà bánh ăn vặt với bạn bè. Vì thế, việc hướng dẫn trẻ phân biệt những thức ăn tốt và không tốt cho sức khỏe là một việc làm rất cần thiết.
Cùng trẻ vào bếp để hướng dẫn con loại thức ăn nào là tốt cho sức khỏe, và sẽ chuyển hóa thành loại vitamin gì để nuôi cơ thể
Nhắc nhở trẻ trong mỗi bữa ăn về những loại thực phẩm mà con cần tránh
Có thể mở ảnh tác hại khi ăn quá nhiều kẹo hay các loại bánh ngọt để dạy trẻ về cách chọn lựa thức ăn đưa vào cơ thể
Cũng giống như ba mẹ, ngày đầu tiên đi học của trẻ sẽ là kỷ niệm mà trẻ mang theo trong suốt hành trình cuộc đời của mình mỗi khi nhớ lại. Để cho con có một ngày đáng nhớ, ba mẹ hãy sắp xếp và dành thời gian đến trường dự lễ khai giảng cùng con. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn và trở nên thích thú khi có ba mẹ đồng điệu.
Để đánh dấu cột mốc quan trọng của trẻ, ba mẹ nên chuẩn bị quà cho trẻ và tặng cho các con sau buổi lễ khai giảng như một lời động viên và khuyến khích trẻ đến trường:
- Bánh kẹo mà trẻ thích
- Một chú gấu bông nhỏ
- Sticker dán lên cặp hoặc món đồ chơi nhỏ
- Một bữa ăn có các món mà con thích với đầy đủ các thành viên trong gia đình để trẻ cảm thấy cần phải cố gắng trong học tập để không phụ lòng ba mẹ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn