Học tập Bác Hồ

HỌC CHỮ TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1 LÀ PHẢN KHOA HỌC

Thứ tư - 05/06/2019 01:09
Việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là một việc làm sai lầm mà nhiều phụ huynh có con 5 tuổi hay làm mà không hề hay biết. Sở dĩ họ làm như vậy là do nhận thức của một số phụ huynh quá lo lắng: lo con sẽ vất vả khi vào lớp 1 không theo kịp bạn bè, không thực hiện tốt nhiệm vụ học tập…, một phần do việc tuyển vào lớp 1, do việc tổ chức dạy học ở lớp 1 có lúc, có nơi chưa phù hợp cũng tạo lo lắng cho cha mẹ trẻ; hoặc cha mẹ quá kỳ vọng cho việc học của con em mình khi bước vào tiểu học nên đã tìm mọi cách cho con học trước chương trình lớp 1, mà chưa nhận thức được tác hại của việc dạy trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1.
Khoa học đã chứng minh sự phát triển tâm lý của trẻ em là một giai đoạn trong sự phát triển của con người. Trong mỗi một giai đoạn của đời người có những hình thức tổ chức cuộc sống, cách thức hoạt động và phát triển đặc trưng cho giai đoạn đó, bởi vậy mỗi giai đoạn cần có một phương pháp giáo dục riêng, cần tổ chức hệ thống giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi.
Vậy dạy học trước chương trình lớp một là việc làm phản khoa học, điều này thể hiện rõ ở một số ý sau:
- Trẻ bị đánh mất tuổi thơ. Trẻ vốn cần vô tư, vô lo, thoải mái vui chơi và sống trong tình yêu thương của ba mẹ.
- Trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác
- Nếu ép trẻ luyện viết quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện (cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn, chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế...) sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý (cơ, xương, thần kinh...) về sau của trẻ.
- Việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học ở lớp 1. Những ảnh hưởng do dạy không đúng sẽ khắc sâu đối với trẻ, rất khó sửa khi vào lớp 1 và sau này (như cách cầm bút sai, ngồi viết không đúng tư thế…).
- Cho trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1, khi đi học nhiều bài trẻ đã biết gây mất hứng thú học tập của trẻ, giảm sự tự tin vì không được khen khi viết chữ khó nhưng đẹp, mất tính sáng tạo và tư duy của trẻ. Trẻ sẽ không cố gắng và nhiều khi làm xuất hiện tâm lý chủ quan, coi thường bạn.
Các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý lứa tuổi trẻ em và giáo dục cho thấy, trẻ cần được vui chơi, phát triển tâm sinh lý phù hợp với quy luật tự nhiên theo đúng độ tuổi.
Đối với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Vui chơi sẽ tạo ra sự biến đổi về chất trong đời sống tâm lý của trẻ. Từ 0-6 tuổi  là lứa tuổi vàng cho sự phát triển của trẻ về thể chất, thế giới biểu tượng, cảm xúc, tình cảm xã hội…. Bởi vậy cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ vui chơi, hoạt động, khám phá qua đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ, phát triển nền móng nhân cách theo đúng quy luật phát triển của trẻ…
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành giáo dục, trong những năm qua, Trường MG Sao Biển luôn nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị Số: 2325/CT-BGDĐT ngày 28/6/2013 của Bộ GD ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1; phối hợp với các cấp, các ngành huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1. Tích cực duy trì sinh hoạt chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, cho trẻ 5 tuổi tham quan trường tiểu học, tìm hiểu môi trường mới mà các em sẽ tiếp cận trong thời gian đến.
Chương trình GDMN đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.
Chương trình đề cao việc khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo tích cực hoạt động, chú trọng tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm, đảm bảo trẻ “học qua chơi, chơi mà học’’. Chương trình đáp ứng mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu trường MG Sao Biển và sự phối hợp chặt chẽ của hai trường Mầm non- Tiểu học của xã nhà, cha mẹ trẻ 5-6 tuổi hoàn toàn có thể yên tâm, khi hoàn thành chương trình GDMN tại trường trẻ đã được chuẩn bị tốt mọi mặt để thích ứng và học tập tốt ở lớp 1.
Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ mẫu giáo. Để thích ứng với việc học tập và những điều kiện mới tại trường phổ thông trẻ cần được chuẩn bị sẵn sàng về mọi phương diện: thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kĩ năng xã hội, thẩm mĩ và các kĩ năng thích ứng với việc học tập, chứ không phải là học trước chữ hay học trước chương trình của lớp 1.
Theo đó, ở tuổi này, trẻ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc ở xung quanh, hiểu thêm về các mối quan hệ ngoài gia đình, biết tự chăm sóc, lo cho mình một cách cơ bản nhất, biết tự bảo vệ, tránh xa những mối nguy không an toàn, biết yêu, biết ghét, biết biểu lộ cảm xúc; sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong giao tiếp, biết sơ lược về con số, chữ cái…phân biệt được các lớp đối tượng, , một số quan hệ…
Thông qua các trò chơi, mô hình lắp ráp, các câu chuyện. Hãy dành cho trẻ thời gian và sự quan tâm thích đáng cho việc hình thành những kỹ năng sống, thói quen, xúc cảm, những yếu tố ban đầu của nhân cách mà lại cần cho suốt cuộc đời con người… và quan trọng là những yếu tố đó được hình thành tốt nhất ở lứa tuổi mầm non.
          Qua bài viết này, tôi tin tưởng rằng, quý phụ huynh sẽ yên tâm hơn về chất lượng giáo dục mà trường MG Sao Biển chúng tôi đã đầu tư cho trẻ trong ba năm qua. Và phụ huynh có sự chuẩn bị tốt nhất những điều kiện để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1, tiếp tục đồng hành, phối hợp với giáo viên lớp 1 để giúp trẻ sớm hòa nhập với môi trường giáo dục mới, trẻ có kết quả học tập tốt nhất như mong muốn của cha mẹ, thầy cô. “Hãy dành cho trẻ những gì tốt đẹp nhất!”
 

Tác giả bài viết: Ngô Thị Bích Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

fixleft
fixright
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây